Market Insider

MSB tiếp tục duy trì vị trí top 6 trong bảng xếp hạng các ngân hàng Việt Nam theo mô hình CAMEL

CAMEL là viết tắt chữ cái đầu tiếng anh của 5 chỉ tiêu: [C]apital Adequacy (Mức độ an toàn vốn), [A]sset Quality (Chất lượng tài sản), [M]anagement (Quản trị), [E]arnings (Thu nhập), [L]iquidity (tính thanh khoản). Đây là một phương pháp phân tích tình hình hoạt động và rủi ro của ngân hàng.

Theo Yuanta, MSB thuộc nhóm các ngân hàng dẫn đầu bảng xếp hạng, chỉ theo sau Vietcombank, Techcombank, MB,… và đứng trên nhiều ngân hàng khác như HDBank, VietinBank và TPBank,…

Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của MSB cho thấy, tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản của Ngân hàng đạt hơn 237.800 tỷ, tăng 11,8% so với thời điểm 31/12/2022. Tổng cho vay khách hàng lũy kế 6 tháng đạt gần 136.600 tỷ đồng, tăng trưởng đạt 13,2% kể từ đầu năm 2023, cao hơn mức trung bình toàn ngành, với sự đóng góp lớn từ các phân khúc chiến lược như khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tiền gửi khách hàng lũy kế 6 tháng ghi nhận gần 126.300 tỷ đồng, tăng nhẹ 7,8% so với cuối năm 2022, trong đó tiền gửi tiết kiệm và tiền gửi ký quỹ có sự tăng trưởng tốt khi tăng lần lượt 24% và 30%.

Tổng thu thuần của MSB trong 6 tháng đầu năm đạt gần 6.400 tỷ đồng, tăng 23,2% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng mạnh mẽ hơn 86%, tỷ lệ thu nhập ngoài lãi trên tổng thu nhập hoạt động đạt trên 31%.

Bảng xếp hạng CAMEL cho thấy, Vietcombank và ACB vẫn giữ vững hai vị trí đầu trong Quý 2/2023. Cả hai ngân hàng đều có tỷ trọng sở hữu trái phiếu doanh nghiệp rất thấp (Vietcombank) hoặc không sở hữu trái phiếu doanh nghiệp (ACB), điều này làm giảm rủi ro về chất lượng tài sản.

Theo thống kê của Yuanta, lợi nhuận sau thuế của 27 ngân hàng niêm yết là 50 nghìn tỷ đồng, giảm 4,7% so với quý trước và giảm 0,3% so với cùng kỳ. Thu nhập lãi ròng là 108 nghìn tỷ đồng, giảm 3,8% so với quý trước nhưng tăng 2,1% so với cùng kỳ, do tăng trưởng tín dụng giảm và chi phí huy động vốn cao trong nửa đầu năm 2023.

Theo quan điểm của Yuanta, các ngân hàng đã tăng chi phí trích lập dự phòng, nhưng vẫn chưa đủ. Chi phí dự phòng toàn ngành chỉ tăng 3,2% so với quý trước và 3,6% so với cùng kỳ, trong khi tỷ lệ nợ xấu tăng cao. Tỷ lệ nợ xấu quý 2 của 27 ngân hàng là 2,11% (tăng 19 điểm cơ bản so với qusy trước và tăng 62 điểm so với cùng kỳ), trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) giảm xuống 97%.

Một số ngân hàng thậm chí còn giảm chi phí trích lập dự phòng để tăng lợi nhuận trong quý 2. Mặc dù Thông tư 02/2023/TT-NHNN giúp giảm nợ xấu trên báo cáo và áp lực trích lập dự phòng nhưng không giải quyết được vấn đề gốc rễ của các khoản nợ xấu; điều đó cần một sự cải thiện thực sự về thu nhập của những người đi vay đang gặp khó khăn cũng như của toàn nền kinh tế. Vì vậy, quan điểm của Yuanta là các ngân hàng cần có chiến lược thận trọng bằng cách trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu tiềm ẩn dựa theo thực tế, bất kể các chính sách hỗ trợ như thế nào. Nhóm phân tích cho rằng các ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) cao cho thấy chất lượng tài sản vững chắc và có khả năng để xử lý các khoản nợ xấu tiềm ẩn.

Bài liên quan

Giao dịch bất động sản công nghiệp đang ngày càng sôi động

Duong Dung

Luxor Global đem đến làn gió mới cho các tín đồ hàng hiệu, sự chinh phục thành công nền tảng thương mại điện tử Luxazaar

marketinsider

ACB: Hoàn nhập dự phòng cao hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế

marketinsider