Market Insider

STB: Áp lực trích lập dự phòng giảm hỗ trợ lợi nhuận tăng

VCSC nâng giá mục tiêu cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (STB) thêm 15,1% lên 34.300 đồng/cổ phiếu và duy trì khuyến nghị MUA.

Giá mục tiêu cao hơn của VCSC chủ yếu đến từ (1) dự báo LNST gộp 2023-2027 tăng 28,5% và (2) giảm giả định đối với chi phí vốn chủ sở hữu của STB từ 16,2% xuống 15,6% do cập nhật tham số beta.

VCSC nâng dự phóng LNST năm 2023 thêm 28,6% lên 10,2 nghìn tỷ đồng (+101,5% YoY) do (1) thu nhập từ lãi (NII) tăng 13,4% sau khi điều chỉnh tăng giả định NIM thêm 58 điểm cơ bản, (2) tăng 4,4% thu nhập phí ròng (NFI) (bao gồm cả lãi từ giao dịch ngoại hối) và (3) chi phí HĐKD (OPEX) giảm 6,3%. Những yếu tố này được bù đắp một phần bởi chi phí dự phòng tăng 14,9%. VCSC giả định STB sẽ không trích lập thêm chi phí dự phòng cho VAMC trong năm 2023.

VCSC tăng dự phóng LNST giai đoạn 2024-2027 thêm 28,4% chủ yếu do (1) tổng NII tăng 14,3% sau khi điều chỉnh tăng giả định NIM trung bình từ 3,59% lên 4,13% do trước đây VCSC đã ước lượng thấp NIM (NIM được tính trước hoàn nhập lãi dự thu tồn đọng) và (2) chi phí dự phòng giảm 19,9% chủ yếu do STB đã trích lập nhiều hơn trong năm 2022 cho các khoản nợ VAMC có tài sản đảm bảo lớn.

VCSC duy trì giả định (1) khoản nợ liên quan đến quỹ đất Phong Phú sẽ được xử lý trong năm 2023 và (2) nợ gốc từ việc bán KCN Đức Hòa III sẽ được thu hồi trong năm 2023. Đồng thời, để thận trọng hơn, VCSC lùi thời gian dự kiến cho việc bán 32,5% cổ phần của STB được thế chấp làm tài sản đảm bảo tại VAMC đến năm 2024 thay vì năm 2023.

Rủi ro: Nợ xấu cao hơn dự báo; STB không bán được tài sản đảm bảo lớn.

Tốc độ xử lý dư nợ tại VAMC nhanh hơn trong năm 2022 giúp giảm bớt gánh nặng trích lập dự phòng trong 2 năm tới. VCSC tin rằng ngân hàng đã trích lập đầy đủ dự phòng cho các khoản nợ VAMC liên quan đến quỹ đất Phong Phú và đã trích dự phòng một phần cho các khoản nợ VAMC được đảm bảo bằng 32,5% cổ phần của STB do số dư VAMC ròng vào cuối năm 2022 chỉ là 7 nghìn tỷ đồng so với 17,7 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2021. Giả định rằng STB có thể bán các khoản nợ liên quan đến Phong Phú vào năm 2023 và 32,5% cổ phần được thế chấp làm TSĐB tại VAMC vào năm 2024, thì STB sẽ không cần trích lập thêm chi phí dự phòng cho VAMC vào năm 2023. Ngân hàng cũng có thể hoàn nhập 5 nghìn tỷ đồng chi phí dự phòng cho VAMC trong năm 2024, theo ước tính của chúng tôi, đây là nguyên nhân chính khiến chúng tôi dự báo chi phí dự phòng sẽ giảm lần lượt là 31,8% YoY và 63,6% YoY trong giai đoạn 2023 và 2024.

VCSC tin rằng LNST có thể tăng gấp đôi YoY vào năm 2023. Dự báo của VCSC về tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong năm 2023 dựa trên (1) dự báo NII tăng 39,7% YoY khi NIM tăng 71 điểm cơ bản YoY do không phải hoàn nhập lãi dự thu cùng với giả định tăng trưởng tín dụng 13,0% và (2) dự báo chi phí dự phòng giảm 31,8% YoY – mặc dù chúng tôi dự báo tỷ lệ nợ xấu tăng 32 điểm cơ bản YoY với tỷ lệ xử lý nợ/khoản vay gộp là 0,5% – do chúng tôi kỳ vọng gánh nặng ghi nhận chi phí dự phòng cho VAMC sẽ giảm bớt. Ngoài ra, STB đã ghi nhận đợt đầu tiên của khoản phí ứng trước bổ sung từ hợp đồng bancassurance với Dai-ichi Life vào năm 2022. Chúng tôi cho rằng STB sẽ ghi nhận đợt cuối cùng vào năm 2023.

STB được thành lập năm 1991, thực hiện IPO năm 1996 và niêm yết cổ phiếu năm 2006. Tính đến ngày 31/12/2022, STB là ngân hàng lớn thứ năm trong số 12 ngân hàng VCSC theo dõi về tổng dư nợ cho vay. Vào tháng 10/2015, STB sáp nhập NH Phương Nam và NHNN nắm giữ 51% cổ phần biểu quyết tại STB.

@ VCSC

Bài liên quan

Thép Trung Quốc ‘tấn công’ thị trường Việt Nam, Hòa Phát giải bài toán tồn kho thế nào?

marketinsider

Giúp VN-Index tăng trăm điểm sau gần 2 tháng, chuyên gia nói gì về triển vọng cổ phiếu ngân hàng sau Tết 2024?

marketinsider

Chuyển đổi số giúp MSB lọt top ngân hàng hiệu qủa nhất như thế nào

marketinsider