Market Insider

Sau thẩm định, giá trị tài sản Vạn Thịnh Phát thế chấp tại SCB còn bao nhiêu?

Khoản vay của nhóm Vạn Thịnh Phát có giá trị sổ sách 1,266 triệu tỷ đồng với 1.166 mã tài sản đảm bảo.

Theo kết luận điều tra của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an về vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị có liên quan, đến ngày 17/10/2022, tại SCB có 1.284 khoản vay của 875 khách hàng là các khoản vay của nhóm bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát.

Tổng dư nợ tại thời điểm ngày 17/10/2022 là 677.286 tỷ đồng trong đó gồm 483.917 tỷ đồng nợ gốc, 193.315 tỷ đồng nợ lãi, thuộc nợ nhóm 5 không có khả năng thu hồi.

Sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thinh Phát ngày 8/10/2022, công ty kiểm toán độc lập và công ty thẩm định giá đã được thuê để thực hiện đánh giá tổng thể thực trạng Ngân hàng SCB và định giá các tài sản tại SCB.

Kết quả, Công ty Thẩm định giá Hoàng Quân xác định giá trị các tài sản của Ngân hàng SCB là 295.940 tỷ đồng, trong đó 5.946 tỷ đồng là tài sản cố định, 289.994 tỷ đồng là tài sản bảo đảm bảo của các khoản vay còn dư nợ (bao gồm các khoản vay đã bán nợ cho VAMC, bán nợ trả chậm, cấn trừ nợ, bán tài sản trả chậm).

Liên quan đến các khoản vay của nhóm Trương Mỹ Lan – Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, trong giai đoạn từ ngày 1/1/2012 đến ngày 7/10/2022, có 1.166 mã tài sản đảm bảo cho 1.284 khoản vay có giá trị theo sổ sách là 1.265.504 tỷ đồng.

Trong đó, Công ty Thẩm định giá Hoàng Quân định giá 726 mã tài sản có giá trị định giá lại được phân bổ là 253.561 tỷ đồng. Số còn lại không định giá với giá trị sổ sách phân bổ là 622.476 tỷ đồng. Lý do là các tài sản là cổ phần cổ phiếu, quyền tài sản, bất động sản không đủ hồ sơ, pháp lý tài sản, một số tài sản không thuộc phạm vi định giá lại.

Trong số 726 tài sản nói trên, có 517 mã tài sản có đủ pháp lý thế chấp/cầm cố để đươc tính giá trị tài sản khi thực hiện trích lập dự phòng rủi ro, giá trị phân bổ theo tờ trình và/hoặc Hợp đồng thế chấp/Cầm cố là 179.196 tỷ đồng.

Số còn lại 209 mã tài sản còn lại không có đủ điều hiện pháp lý (chưa có hợp đồng thế chấp/cầm cố, hợp đồng thế chấp chưa được công chứng, tài sản chưa đăng ký giao dịch đảm bảo quy định,…) do vậy SCB không thể tiến hành xử lý tài sản, không đủ điều kiện để được tính giá trị tài sản khi trích lập dự phòng rủi ro.

Nếu phân chia chi tiết theo hai giai đoạn thời gian, giá trị các tài sản thế chấp được xác định như sau:

Giai đoạn 1 được xác định với các khoản vay được giải ngân từ ngày 1/1/2012 đến ngày 31/12/2017, có 204 mã tài sản đảm bảo cho 368 khoản vay có liên quan đến trách nhiệm của bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm, còn dư nợ 132.247 tỷ đồng (gồm 68.305 tỷ đồng nợ gốc, 63.942 tỷ đồng nợ lãi).

Công ty Thẩm định giá Hoàng Quân chỉ định giá 195 mã tài sản có tổng trị giá 78.214 tỷ đồng tại thời điểm ngày 30/9/2022; 9 mã tài sản không định giá vì các tài sản là cổ phần cổ phiếu, quyền tài sản của các công ty, tài sản không đủ pháp lý.

Mặc dù vậy, theo đánh giá của Ngân hàng SCB thì chỉ có 96/195 mã tài sản có đủ pháp lý để trích lập dự phòng rủi ro, giá trị phân bổ theo các hợp đồng là 67.626 tỷ đồng, số còn lại 99/195 mã tài sản không có đủ pháp lý (chưa có hợp đồng thế chấp, hợp đồng thế chấp chưa được công chúng, hoặc tài sản là bất động sản chưa đăng ký giao dịch đảm bảo…).

Giai đoạn 2 được xác định với các khoản vay được giải ngân từ 1/1/2018 đến 7/10/2022, có 982 mã tài sản đảm bảo cho 916 khoản vay có liên quan đến trách nhiệm của bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm còn dư nợ 545.039 tỷ đồng (gồm 415.667 tỷ đồng nợ gốc, 129.373 tỷ đồng nợ lãi).

Công ty Thẩm định giá Hoàng Quân chỉ định giá được 546 mã tài sản có tổng trị giá 175.349 tỷ đồng tại thời điểm ngày 30/9/2022; 436/982 mã tài sản không định giá, vì tài sản là cổ phần, cổ phiếu, quyền tài sản của các công ty, tài sản không đủ pháp lý.

Theo đánh giá của Ngân hàng SCB thì chỉ có 424/546 mã tài sản Công ty Thẩm định giá Hoàng Quân đã định giá có đủ pháp lý để trích lập dự phòng rủi ro, giá trị phân bổ theo tờ trình và/hoặc Hợp đồng thế chấp/Cầm cố là 111.570 tỷ đồng.

Số còn lại 122 mã tài sản không có đủ pháp lý (chưa có hợp đồng thế chấp, hợp đồng thế chấp chưa được công chứng, hoặc tài sản là bất động sản chưa đăng ký giao dịch đảm bảo…).

> > Thần chú để Trương Mỹ Lan biến ra chiếc ví thần SCB rồi bòn rút hơn 1 triệu tỷ

Bài liên quan

Lằn ranh công – tội và điều bất ngờ trong phiên tòa xử vụ Việt Á

marketinsider

Startup “độc lạ” làm snack từ dế mèn lên Shark Tank gọi vốn: Có gì mà khiến các shark quan ngại?

marketinsider

Người tiêu dùng Việt chuộng sản phẩm, dịch vụ gì trong thời kỳ kinh tế ‘thắt lưng buộc bụng’?

marketinsider