Market Insider

4 động lực của cổ phiếu POW, một CTCK khuyến nghị tiềm năng tăng giá thêm 22%

POW – cổ phiếu được thị trường quen gọi là “nặng mông” nhất nhóm VN30 suốt 5 năm qua bất ngờ ghi nhận nhịp tăng hơn 20% chỉ trong vòng một tháng.

Sau giai đoạn điều chỉnh từ đầu năm 2024, một tháng giao dịch gần nhất chứng kiến sự trở lại mạnh mẽ của cổ phiếu POW (PV Power) với mức tăng hơn 21% và áp sát mốc 13.000 đồng/cp. Gần 6 vạn cổ đông POW là những người được hưởng niềm vui trực tiếp.

Đi kèm với chuyển động giá, lượng giao dịch ở cổ phiếu VN30 này cũng sôi động trở lại với trung bình 20 phiên đạt hơn 11,5 triệu đơn vị. Thậm chí trong phiên bùng nổ ngày 27/5, có tới hơn 40 triệu đơn vị đã được sang tay, POW đóng cửa tăng trần lên mức 12.100 đồng.

Khoảng 7,8 triệu cổ phiếu POW đã về tay khối ngoại trong 4 phiên kể từ ngày 27-30/5. Điều này hoàn toàn trái ngược với diễn biến bán ròng của nhóm đầu tư này trên thị trường chứng khoán.

4 động lực của cổ phiếu POW, một CTCK khuyến nghị tiềm năng tăng giá thêm 22%
Cổ phiếu POW lọt Top đầu về tăng giá tại nhóm VN30 trong một tháng trở lại đây

Có nhiều động lực hỗ trợ cho đà tăng giá cổ phiếu POW một tháng vừa qua, có thể kể đến:

(1) Thông tin các công ty bảo hiểm sẽ bồi thường 1.000 tỷ đồng cho nhà máy điện Vũng Áng 1 (vượt mức dự báo trước đó của Chứng khoán Vietcap là 300 tỷ đồng). Đồng thời, PV Power cũng đang xây dựng lộ trình chuyển đổi sử dụng LNG như một nguồn khí mới.

(2) Kỳ vọng về việc PV Power cùng với nhà thầu quyết tâm phát điện thử nhà máy điện Nhơn Trạch 3 vào ngày 15/10/2024 và nhà máy điện Nhơn Trạch 4 trong nửa đầu sau 2025.

(3) Tình hình kinh doanh của PV Power trong 5 tháng đầu năm ghi nhận tín hiệu tích cực với ước tính doanh thu 13.052 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 670 tỷ, tương đương 41% và 67% kế hoạch năm.

(4) Thông tin quan trọng khác ảnh hưởng đến POW và nhóm cổ phiếu điện liên quan đến việc Thủ tướng Chính phủ mới đây yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện thủ tục, hồ sơ, dự thảo Nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa khách hàng sử dụng điện lớn và đơn vị phát điện, trình Chính phủ cuối tháng 5.

Chứng khoán MB cho rằng, cơ chế mới sẽ ảnh hưởng tích cực lên chuỗi giá trị ngành điện, đặc biệt khi EVN đóng vai trò là nhà mua – bán điện chính. Việc tăng giá bán điện sẽ giúp EVN có khả năng thanh toán cho các nhà máy phát điện. Theo đó, các nhà máy nhiệt điện bao gồm PV Power đang ghi nhận khoản phải thu tiền điện tăng mạnh cùng tỷ trọng khoản phải thu/tổng tài sản cao kỳ vọng sẽ giải tỏa được áp lực tài chính nhờ cơ chế này.

Vấn đề là..

5 năm qua, cổ phiếu POW dù xuất hiện nhiều pha tăng/giảm giá song chủ yếu biến động quanh mốc 13.000 đồng/cp. Trong khi các mã VN30 như ACB, HDB, VCB, FPT, BID… đã ghi nhận các mức tăng bằng lần và liên tục phá đỉnh, nhiều nhà đầu tư thậm chí ví von POW là trường hợp cổ phiếu “nặng mông”.

>> Cổ phiếu POW: Dùng dằng ‘cái tuổi 13

Vị thế của PV Power xét trên các tiêu chí về quản trị, khả năng sinh lời, sức khỏe tài chính, tốc độ tăng trường tại thời điểm cuối quý I/2024 thấp hơn so với bình quân ngành.

4 động lực của cổ phiếu POW, một CTCK khuyến nghị tiềm năng tăng giá thêm 22%
Tăng trưởng của PV Power ở một số tiêu chí trong 4 năm gần nhất tương đối thất thường

Tại thời điểm năm 2023, lợi nhuận sau thuế của công ty giảm tới 50% so với năm trước đó và giảm 52% so với năm 2020, còn 1.283 tỷ đồng. Cùng thời điểm, nợ phải trả tăng 59% lên mức 36.242 tỷ đồng (trong đó, nợ vay tăng tới 62,6% lên gần 26.800 tỷ). Năm 2023, chi phí lãi vay của PV Power tăng mạnh trở lại (cao nhất 3 năm) với 565 tỷ đồng.

Trong báo cáo mới đây, SSI Research nhấn mạnh, PV Power đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn đầu tư cho giai đoạn 2021-2025. Theo kế hoạch kinh doanh, doanh nghiệp cần 7.750 tỷ đồng vốn tự có để thực hiện các dự án, bao gồm dự án điện khí LNG Nhơn Trạch 3-4. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và kinh tế tăng trưởng chậm lại, tính đến cuối năm 2023, doanh nghiệp chỉ tích lũy được 4.000 tỷ đồng – tương đương hơn 50% so với mục tiêu đã đề ra.

Hậu quả của việc thiếu hụt vốn là PV Power phải giữ lại lợi nhuận để bù đắp, dẫn đến việc không chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông từ năm 2021 và dự kiến tiếp tục trong năm 2023. Nhằm giải quyết triệt để vấn đề này, doanh nghiệp đang lên kế hoạch tăng vốn.

>> PV Power (POW) chưa có phương án chia cổ tức cho giai đoạn 2020-2025

Năm 2024, PV Power đặt kế hoạch doanh thu 31.700 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 824 tỷ đồng, tương ứng tăng 9% và giảm 36% so với năm 2023. Mục tiêu này dựa trên giả định sản lượng điện phục hồi 16,7 tỷ kWh.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng PV Power khó đạt được kế hoạch trong bối cảnh chỉ tiêu sản lượng điện (Qc) do Trung tâm điều độ Hệ thống điện quốc gia giao chỉ là 12 tỷ kWh. SSI Research dự báo sản lượng giảm 3% và lợi nhuận sau thuế đạt 731 tỷ đồng, thấp hơn 43% so với kế hoạch của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, SSI lưu ý nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu POW, đó là nhu cầu điện yếu hơn dự kiến có thể khiến giá thị trường điện (FMP) giảm. Biến động không lường trước của giá khí, LNG và than. Thời tiết kém thuận lợi hơn dự kiến ảnh hưởng tới công suất hoạt động của các nhà máy thủy điện. Dự án Nhơn Trạch 3&4 vận hành thương mại chậm hơn dự kiến.

Với ước tính lợi nhuận ròng chỉ tăng 11% trong 2024 song tăng mạnh 62% trong 2025 nhờ sản lượng bổ sung từ nhà máy Nhơn Trạch 3&4, cổ phiếu POW được khuyến nghị với giá mục tiêu 15.500 đồng/cp – cao hơn gần 22% so với giá hiện hành. Nhà đầu tư cân nhắc cắt lỗ khi giá thủng nền 12.000 đồng/cp.

>> Lâu rồi chưa được chốt lãi cổ phiếu POW!

Bài liên quan

VN-Index có thể sẽ tiếp tục phục hồi

marketinsider

Liên danh nhà thầu dự án 16.000 tỷ đồng tại Hà Nội bị chấm dứt gói thầu và đề nghị thanh tra

marketinsider

Chứng khoán Việt Nam có chịu áp lực giảm điểm từ thị trường thế giới?

marketinsider